Nghi môn được xây dạng tứ trụ (4 cột) bằng gạch, hai trụ giữa xây cao hơn trên có hình hai con ghê chầu vào. Theo quan niệm tâm linh của người phương đông, nghê là con vật linh thiêng có khả năng nhận ra kẻ ác hay người thiện.
Cổng lớn của Văn Miếu được xây vào đầu thế kỷ XX. Cổng xây bằng gạch theo kiến trúc dạng tam quan hai tầng, tám mái. Cửa giữa to cao, tầng trên đề ba chữ “Văn Miếu Môn” (Cổng Văn Miếu). Hai cánh cổng bằng gỗ lim mở vào trong, phía trên trang trí chạm nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt.
Phía trước cổng là đôi rồng đá cách điệu thời Lê, bên trong là đôi rồng đá thời Nguyễn. Hai mặt cổng đều đắp nổi các câu đối chữ Hán. Hai bên cổng có hai bức phù điêu: bức “Cá chép hoá rồng” tượng trưng cho sự phấn đấu, thành đạt trong học tập của Nho sĩ, và bức “Mãnh hổ hạ sơn” biểu tượng cho sức mạnh và khí phách của người trí thức xuất thân ra giúp đời.
Từ cổng chính Văn Miếu, có ba con đường: con đường lát gạch chính giữa dẫn đến cổng Đại Trung và hai con đường nhỏ hai bên dẫn đến hai cổng nhỏ là Thành Đức và Đạt Tài.
Cổng Đại Trung mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê. Công trình được thiết kế ba gian không có cửa. Nền cổng được lát gạch Bát Tràng, bó vỉa đá, ba bậc lên xuống, tạo cảm giác tôn nghiêm bề thế. Phần mái được lợp ngói mũi hài. Hai bên cổng có hai hàng cột chạy dọc từ trước ra sau, ở giữa có hàng cột để chống nóc. Trên nóc có đắp nổi hai con cá chép chầu vào bình móc. Hình tượng cá chép gợi nhớ đến điển tích “Cá chép vượt vũ môn”, biểu trưng cho tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền bỉ chinh phục tri thức để đi tới thành công. Người học trò khi xưa hay ngày nay cũng vậy, muốn học hành thành tài đều phải chuyên cần và nỗ lực. Tên hai cổng nhỏ Thành Đức và Đạt Tài mang ý nghĩa đào tạo những con người vừa có đức, vừa có tài, giúp ích cho xã hội.
Khuê Văn Các – Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội là một trong những công trình kiến trúc lịch sử - văn hoá, nghệ thuật bậc nhất của Thăng Long và cả nước. Xin giới thiệu đến quý vị một số hình ảnh về công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo này.
Giếng “Thiên Quang”, hay còn gọi là “Thiên Quang Tỉnh” nằm chính giữa khu vườn bia Tiến sĩ. Giếng Thiên Quang hình vuông mỗi cạnh 30m, lan can trang trí gạch men xanh. Nước giếng quanh năm tràn đầy, như tấm gương phản chiếu bầu trời. Giếng mang tên “Thiên Quang” có ý nghĩa là “Ánh sáng trời”.
Về mặt kiến trúc cảnh quan, giếng Thiên Quang như được ứng đối với công trình kiến trúc nghệ thuật Khuê Văn Các phía trên, hai bên giếng là tám dãy nhà bia Tiến sĩ. Dáng hình Khuê Văn Các kết hợp với dãy nhà bia cùng vườn cây cổ thụ xung quanh soi bóng xuống mặt nước trong xanh và tĩnh lặng tạo nên một khung cảnh hữu tình, đa sắc rất ấn tượng với những giá trị tinh thần sâu đậm. Nơi đây đã trở thành một trong những điểm check in độc đáo của du khách khi đến thăm quan di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Hai bên giếng về phía Đông và Tây là các dãy bia Tiến sĩ. Những tấm bia đá đầu tiên được khởi dựng năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông nhằm biểu dương nhân tài, khuyến khích việc học tập cho đương thời và hậu thế. Nay còn lại 82 tấm bia, trên bia khắc họ tên, quê quán của 1.304 Tiến sĩ đỗ đạt trong 82 khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779.
Cổng Đại Thành mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (TK 15-17). Công trình bằng gỗ ba gian. Mái lợp ngói mũi hài. Rồng được trang trí trên cánh cổng theo chủ đề “Long vân khánh hội” – thể hiện sự phồn thịnh của đất nước đối với đạo học nước nhà. Dưới chân cổng Đại Thành có 6 con Nghê cối cửa được tạo tác tinh tế với chất liệu bằng gỗ và đá.
Hai bên cổng Đại Thành có hai cổng nhỏ Kim Thanh (tiếng chuông vàng) và Ngọc Chấn (tiếng khánh ngọc) dẫn vào phía sau hai dãy nhà Đông Vu và Tây Vu.
Hai bên giếng về phía Đông và Tây là các dãy bia Tiến sĩ. Những tấm bia đá đầu tiên được khởi dựng năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông nhằm biểu dương nhân tài, khuyến khích việc học tập cho đương thời và hậu thế. Nay còn lại 82 tấm bia, trên bia khắc họ tên, quê quán của 1.304 Tiến sĩ đỗ đạt trong 82 khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779.
Lớp không gian thứ tư là khu điện Đại Thành. Chính giữa có sân Đại Bái. Hai dãy nhà phía Đông và phía Tây chạy dọc theo hai bên sân. Toà nhà phía trước là Bái Đường, nơi xưa kia diễn ra lễ tế Khổng Tử. Phía sau Bái Đường là Điện Đại Thành.
Tòa Bái Đường có bậc thềm đá, nền lát gạch, chia thành 9 gian với cột bằng gỗ lim chống mái. Mái lợp ngói mũi hài, trên nóc có trang trí hình “lưỡng long chầu nhật nguyệt”. Hai bên gian đầu hồi mặt trước và mặt sau là cửa sổ gỗ chấn song con tiện, phía dưới là bức phù điêu gỗ thời Lê sơ khắc hình rồng mây đao.
Điện Đại Thành chạy song song với nhà Bái Đường, nối với nhau bởi một tiểu đình. Điện Đại Thành gồm 9 gian, xây tường kín ba mặt. 7 gian chính giữa có cửa bức bàn đóng kín, 2 gian đầu hồi có cửa số chấn song con tiện cố định mang phong cách kiến trúc thời hậu Lê. Hệ thống cột trống mái đều được sơn son thếp vàng. Mái lợp ngói mũi hài, nóc mái cũng trang trí đôi rồng chầu nhật nguyệt. Điện Đại Thành là nơi thờ Khổng tử, Tứ phối và Thập triết. Gian chính giữa là tượng đức Khổng Tử, mặt nhìn về hướng Nam, phía sau là khám thờ trên có bài vị.
Công trình Thái Học tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long-Hà Nội. Được xây dựng trên nền cũ của Quốc Tử Giám xưa, công trình Thái Học ngày nay trở thành một địa chỉ văn hóa - nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục tiêu biểu của thủ đô Hà Nội và cả nước. Công trình có ý nghĩa rất quan trọng, là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhà Lý cho xây dựng Văn Miếu từ năm 1070 để thờ Khổng Tử và cũng là nơi Hoàng Thái tử đến học. Năm 1076, Quốc Tử Giám được xây dựng phía sau của Văn Miếu. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê, Quốc Tử Giám dần phát triển đã trở thành trường quốc học lớn nhất cả nước.
Từ thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497), Quốc Tử Giám sau khi mở mang còn được gọi là Thái Học viện gồm có: Giảng đường, nhà Minh Luân, kho chứa ván in sách. Hai bên đông tây khu Thái Học có 3 dãy nhà, mỗi dãy 25 gian đủ chỗ cho 300 Giám sinh trọ học. Đầu thế kỉ XX, nhà Nguyễn dời đô vào Huế, Quốc Tử Giám Thăng Long trở thành trường học của phủ Hoài Đức, sau đó phá bỏ để lập điện Khải Thánh thờ cha mẹ Khổng Tử. Năm 1946, điện Khải Thánh bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh Đông Dương. Khi đó, nơi đây chỉ còn lại nền nhà, bốn nghiên mực đá và ngôi miếu nhỏ thờ Mẫu, dần trở nên hoang phế, cỏ dại mọc đầy. Quần thể di tích như bị khuyết thiếu, ngắt mạch lịch sử, để lại thật nhiều nuối tiếc cho hậu thế.
Năm 2000, màn múa Trống hội Thăng Long với sự tham gia của hơn ba trăm chiếc trống đã khơi dậy truyền thống hào hùng của dân tộc trong đại Lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long-Hà Nội. Ít ai biết rằng, Văn Miếu-Quốc Tử Giám được chọn là nơi khởi dựng trống hội. Ngày nay, chiếc Trống Sấm – chiếc trống chủ của Lễ hội, cũng là chiếc trống lớn nhất Việt Nam năm 2000, đang được lưu giữ tại Lầu trống, khu Thái Học, di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám để tiếp tục cuộc hành trình lịch sử của mình.
Trống Sấm – Trống lớn nhất Việt Nam năm 2000, được đặt trang trọng tại khuôn viên Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám